Tin tức

ĐẰNG SAU TẤM THẺ THÔNG MINH IC-CARD

Đi trên các tuyến đường cao tốc hiện nay ai cũng thấy, trước khi ô tô ra khỏi đường cao tốc, lái xe trả Thẻ IC-card cho nhân viên thu phí. Nhân viên này đưa vào thiết bị đọc, thiết bị đọc các dữ liệu trên thẻ rồi đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số km đường mà phương tiện vừa đi qua. Sau khi nhận tiền, máy tính in vé cước phí giao cho tài xế và barrier tự động mở cho xe qua. Những hình ảnh đó chỉ là một công đoạn trong Hệ thống giao thông thông minh (ITS) đã được triển khai ở nhiều thành phố lớn và các tuyến đường cao tốc ở nước ta. Tiện ích đấy, nhưng đằng sau những tấm IC-card còn bao chuyện phải bàn…

1- Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là sự tích hợp giữa công nghệ viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin với kỹ thuật giao thông để lập kế hoạch, thiết kế, khai thác, bảo trì và quản lý các hệ thống giao thông giúp phát huy tối đa hiệu suất vận hành của hệ thống giao thông lại vừa bảo đảm giao thông an toàn và bảo vệ được môi trường tốt hơn.

Ở nước ta Hệ thống ITS đã hình thành từ trước năm 2000 với việc ra đời của các Trung tâm điều khiển giao thông ở các thành phố lớn. Tiếp đến là lắp đặt các camera giám sát giao thông và dò xe. Trên một số cao tốc, cứ 2km bố trí một camera/làn. Toàn tuyến cao tốc được giám sát giao thông 24/24 giờ nhằm bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trên đường, đảm bảo an toàn giao thông và việc cứu hộ, cứu nạn được kịp thời. Camera trong Hệ thống ITS cũng phát hiện tức thời các lỗi vi phạm như vượt quá tốc độ, đi sai làn đường, dừng đỗ không đúng trên đường cao tốc… để đưa ra cảnh báo và xử lý với người vi phạm. Trong những năm gần đây việc thu phí giao thông bằng Thẻ thông minh (IC-Card) trở nên phổ biến. Tân tiến hơn nữa là Thu phí điện tử không dừng.

Dùng Thẻ IC-Card để thu phí giao thông mà ta thường gọi là “thu phí kín” đã áp dụng cho đường cao tốc, một số đường liên tỉnh, ví dụ như ở phía Bắc, có đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình… Ở phía Nam, có cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây… Hệ thống thu phí kín thực hiện qua việc tự động nhận dạng biển số xe bằng camera, tự động phân loại xe bằng tia hồng. Các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận dạng, mã hóa các dữ liệu như thời gian vào, tên trạm vào, biển kiểm soát, loại xe… Các dữ liệu đó được lưu trên Thẻ IC-card và phát cho chủ phương tiện. Hệ thống thu phí kín này được lắp đặt ở các cửa thu phí bán tự động và tự động không dừng (ETC) có sử dụng Thẻ IC-card kết hợp thiết bị thu phí chuyên dùng OBU gắn trên xe. Dịch vụ ETC qua OBU được ngân hàng VietinBank triển khai từ năm 2010 và đang được mở rộng tại nhiều trạm thu phí trên cả nước. Khi xe đi qua, thiết bị OBU sẽ giao tiếp với angten tại làn để nhận dạng và hệ thống thu phí sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản Thẻ trả trước. Thu phí ETC không những tạo thuận lợi cho khách lưu thông trên tuyến mà còn tiết giảm chi phí quản lý, vận hành khai thác cho chủ đầu tư, thuận lợi trong quá trình giám sát, hậu kiểm của việc thu phí.

2- Thành tựu bước đầu của Hệ thống ITS ở nước ta thật đáng ghi nhận. Nhưng còn nhiều vấn đề bất cập cũng cần phải bàn tới…

Ai cũng nhận thấy, việc thu phí ETC tạo nhiều thuận lợi cho chủ phương tiện, nhưng sao số lượng lái xe sử dụng dịch vụ này vẫn chưa nhiều? Tôi đặt câu hỏi này với anh Nguyễn Văn Quân, một lái xe du lịch tư nhân, anh nói ngay: “Vì giá thành thiết bị OBU còn khá cao, hơn nữa chủ phương tiện phải ứng trước một khoản tiền (không sinh lời) vào tài khoản OBU“. Còn anh Hoàng Văn Hải, lái xe của một cơ quan ở Hà Nội, nói: “Có nghe về thiết bị OBU, nhưng chưa tìm hiểu sâu về nó“. Một cảnh sát giao thông, xin không nêu tên, nói: “Dịch vụ ETC triển khai đã lâu, nhưng đến nay nhiều lái xe vẫn chưa nhận biết làn đường dành riêng cho thu phí tự động, không ít trường hợp, xe không gắn thiết bị OBU cũng đi vào làn đường dành riêng cho xe có OBU“.

Trên phương tiện truyền thông thi thoảng thấy vài ngân hàng có đợt khuyến mãi, nếu mua 2 OBU thì được giảm giá, hoặc chủ phương tiện có thể thuê thiết bị này của ngân hàng, nhưng chiêu này cũng chưa đủ sức hấp dẫn với chủ phương tiện. Có lẽ điều làm cho nhiều lái xe chưa mặn mà với thu phí tự động là, các Trạm thu phí tự động chưa có sự liên thông, chưa có sự tương thích của thiết bị, OBU của tuyến đường nào thì chỉ có thể hoạt động được với những trạm trên tuyến đó. Nếu đi tuyến khác lại phải có thêm OBU nữa.

Khi nói tới sự “không tương thích” trong Hệ thống ITS ở nước ta, trước hết hãy nói tới hệ thống camera giám sát (CCTV). Sau thành công của dự án thí điểm lắp CCTV tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, một loạt dự án CCTV được triển khai. Nhiều nơi lắp đặt CCTV tại các giao lộ trung tâm thành phố lớn để thuận tiện cho việc điều tiết giao thông và “phạt nguội”. Nhưng các chốt này được vận hành và điều khiển độc lập, không liên kết thành một hệ thống, nên việc quản lý, tổ chức phân luồng giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn đó chưa có hiệu quả cao. Sự không tương thích, tiếp đến phải kể tới cái Thẻ thông minh. Với các nước có Hệ thống ITS hiện đại, một Thẻ thông minh có thể dùng chung cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng, dùng chung cho nhiều thành phố và một số dịch vụ khác. Còn với nước ta “mạnh ai người ấy làm”, rất nhiều đầu mối có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn công nghệ thẻ. Anh này thì thích dùng công nghệ NFC, anh kia thích dùng công nghệ RFID, anh khác lại thích dùng công nghệ FeliCa, Mifare. Mỗi công nghệ có tiêu chuẩn kỹ thuật khác cho nên dẫn tới sự không tương thích trong Hệ thống ITS ở nước ta là chuyện đương nhiên.

Hiện nay, với sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng, ngoài xe bus còn có xe bus nhanh (BRT), mạng lưới giao thông cao tốc (MRT), sắp tới là đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, tàu điện ngầm (METRO) ở TP.HCM. Vì vậy việc đưa vào sử dụng Thẻ thông minh càng cần thiết. Nếu không đảm bảo tính tương thích với mọi thiết bị trong Hệ thống ITS thì hiệu quả sẽ không cao.

Hiện nay có nhiều đề tài nghiên cứu về ITS ở Việt Nam, như: “Ứng dụng Khoa học công nghệ để giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2013-2015 tầm nhìn đến 2020” do TP.HCM triển khai. Đề tài này định đưa các giải pháp công nghệ cho hệ thống ITS của thành phố; rồi Đề tài mã số KC01.14/11-15: “Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh và các quy chuẩn công nghệ thông tin, truyền thông, điều khiển áp dụng trong hệ thống ITS tại Việt Nam“;  Đề tài KC.03.05/06-10: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị phương tiện và hệ thống tự động kiểm tra, giám sát, điều hành phục vụ cho an toàn giao thông đường bộ” cũng đề xuất cấu trúc cơ bản của hệ thống ITS dự kiến áp dụng tại Việt Nam. Các nghiên cứu này thiếu sự liên kết, phối hợp nên có sự trùng lặp về nội dung, gây lãng phí lớn trong nghiên cứu.

Để hiện đại hóa giao thông vận tải ở nước ta bằng Hệ thống ITS  cần có tầm nhìn dài hạn và một giải pháp tổng thể. Kinh nghiệm cho thấy, không một quốc gia nào có thể xây dựng hệ thống ITS trong một giai đoạn ngắn. Đó là một vấn đề chiến lược, phải chia ra từng giai đoạn để thực hiện, các giai đoạn phải khớp với nhau, giai đoạn sau là mở rộng, bổ sung của giai đoạn trước không làm cho giai đoạn trước trở nên lạc hậu, lỗi thời. Muốn vậy thì Bộ Giao thông vận tải phải là cơ quan nghiên cứu và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Hệ thống ITS, chứ không thể nhiều đầu mối phê duyệt như kiểu Thẻ thông minh hiện nay.

 

Nguồn: http://vnreview.vn

Trả lời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *