Tin tức

DỊCH VỤ RÚT TIỀN QUA THẺ TÍN DỤNG: KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH, TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO

Thay vì sử dụng thẻ tín dụng cho các giao dịch mua bán, nhiều điểm chấp nhận thẻ (các điểm kinh doanh) lại thực hiện rút tiền cho khách để hưởng phí chênh lệch.

ảnh 1Thay vì dùng thẻ tín dụng để mua hàng hóa thì nhiều người lại dùng để vay tiền

Rút tiền, mang tận nhà cho khách

“Chúng tôi cung cấp dịch vụ rút tiền qua POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) ngân hàng với rất nhiều ưu việt sau: Rút tiền nhanh chóng; Nhận được tiền ngay khi quẹt thẻ; Rút 100% hạn mức thẻ tín dụng; Nhận tiền tại nhà; Phí rút thấp hơn rất nhiều so với rút tại ATM và quầy giao dịch; Không bị ngân hàng tính lãi suất khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng…” – đây là thông tin quảng cáo được trang “ruthetindung…” đưa ra. Theo bảng phí rút tiền mà trang này công bố thì mức phí rút tiền sẽ dao động từ 1,2-3% tùy số tiền rút, rút càng nhiều thì mức phí càng thấp.

Tương tự những lời chào mời này, chỉ cần gõ từ khóa “rút tiền thẻ tín dụng”, người có nhu cầu sẽ có hàng trăm lựa chọn. Gọi điện đến một số đường dây nóng tư vấn dịch vụ rút tiền qua thẻ tín dụng, chúng tôi được nhân viên cho biết, nếu khách hàng có nhu cầu, nhân viên sẽ mang máy POS di động đến tận nơi để khách hàng quẹt thẻ và sẽ ứng cho chủ thẻ số tiền tương ứng số tiền khách đã quẹt. Khách hàng chỉ cần trả phí từ 1,2-3% tùy số tiền rút.

Yêu cầu duy nhất đối với khách hàng là phải cung cấp số chứng minh nhân dân đúng với chủ thẻ. Theo nhân viên này, nếu rút tiền từ thẻ tín dụng tại ngân hàng hoặc máy ATM, chủ thẻ chỉ có thể rút 50% tổng hạn mức được cấp với mức phí lên đến 4% trên tổng số tiền rút; ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi ngay từ thời điểm rút với lãi suất lên đến 2-3%/tháng.

Tuy nhiên, với hình thức rút tại máy POS của đơn vị này, khách hàng được rút 100% hạn mức thẻ với lãi suất 0% trong 45 ngày. Không chỉ vậy, nhân viên này còn cho biết là phía công ty còn hỗ trợ đáo hạn cho khách hàng, thậm chí giúp khách hàng “lách” lãi suất. “Ví dụ hạn mức thẻ của chị là 20 triệu đồng, lần đầu tiên chị quẹt 10 triệu đồng. Đến kỳ thanh toán, chúng em sẽ quẹt thêm cho chị 10 triệu còn lại để chị trả cho ngân hàng, như vậy chị sẽ không phải chịu lãi suất”, một nhân viên quảng cáo dịch vụ.

Siết chặt việc rút tiền từ thẻ tín dụng

Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng tại máy POS bùng nổ, là vì đối với điểm chấp nhận thẻ sẽ được hưởng chênh lệch từ phí rút tiền, vì nếu doanh số cao thì phí rút tiền sẽ rẻ. Trong khi đó, ngân hàng vẫn thu được phí từ đơn vị chấp nhận thẻ lại vừa có doanh số POS. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng rút tiền từ thẻ tín dụng tại các điểm chấp nhận thẻ sẽ làm ý nghĩa của việc sử dụng thẻ cũng như ý nghĩa của việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt bị méo mó.

 

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trường hợp rút tiền mặt thẻ tín dụng qua máy POS đã đi ngược lại chức năng của máy POS. “Giao dịch thông qua máy POS là phải có một giao dịch thanh toán hàng hóa thực sự. Nếu đơn vị chấp nhận thẻ mà giúp khách hàng lấy tiền mặt như thế là không đúng mục đích và tiềm ẩn nhiều rủi ro”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. Theo đó, ngân hàng có nguy cơ gia tăng nợ xấu khi khách hàng có thể rút tiền một cách dễ dàng. Còn đối với khách hàng, rủi ro lớn nằm ở nguy cơ tiềm ẩn bị đánh cắp thông tin thẻ khi các điểm mua sắm thường không ưu tiên vấn đề bảo mật. Đặc biệt, khách hàng cũng có nguy cơ “vung tay quá trán”, rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Hiện nay, theo quy định, chủ thẻ chỉ có thể rút tiền mặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức thanh toán thẻ chứ không được rút tiền từ các điểm chấp nhận thẻ. Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, NHNN đề xuất cho phép việc rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ. Đặc biệt, tại dự thảo Thông tư, NHNN cũng lần đầu tiên đặt ra hạn mức rút tiền đối với chủ thẻ. Theo đó, đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng trong một ngày. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng.

Nguồn: http://anninhthudo.vn

Trả lời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *